Từ bao đời nay, dù công nghệ có liên tục đặt ra những giới hạn đỉnh cao mới thì vẻ đẹp của đồ nội thất thủ công vẫn luôn là ngưỡng ước vọng đặc biệt, một chuẩn mực cho chất lượng cao cấp và nguyên bản nhất. Những vấn đề cấp thiết về môi trường và sự tái định giá chất lượng sống đã dần đưa ngành nội thất quy hồi về những giá trị sâu sắc: chất lượng, sự bền bỉ và tính nguyên bản.
VÀ NỘI THẤT THỦ CÔNG
CHÍNH LÀ CÂU TRẢ LỜI CHO TẤT CẢ NHỮNG YÊU CẦU ĐÓ.
Nghề thủ công – sự lưu truyền tiếp nối những giá trị quý báu | NỘI THẤT THỦ CÔNG
Từ thuở sơ khai, con người đã luôn ấp ủ trong mình nguyện vọng được tương tác với những nguồn nguyên liệu thiên nhiên, tạo hình và đem lại cho chúng một cuộc đời mới. Ngày nay, khi mọi thứ được dẫn dắt bởi công nghệ và được bao phủ bởi việc sản xuất hàng loạt thì những chăm chút tỉ mỉ và kỹ nghệ truyền thống được dẫn dắt bởi cái chạm tay của con người dần trở nên hiếm hoi, thậm chí mai một. Vậy nhưng, với những ai trọng giá trị cốt lõi, đồ nội thất thủ công vẫn luôn là một bảo chứng chất lượng không suy chuyển. Để đạt được danh xưng “nghệ nhân”, người thợ phải trải qua biết bao năm tháng rèn giũa tay nghề và quan trọng hơn tất thảy là sự tận tâm cống hiến. Với họ, con đường đạt đến sự hoàn hảo là một hành trình không thỏa hiệp, nội thất qua đôi bàn tay họ sẽ không chỉ phục vụ tốt công năng mà còn vượt xa hơn cả kỳ vọng để lay động trái tim người dùng và khiến họ trầm trồ trước vẻ đẹp tinh tế độc nhất.
Nội thất thủ công không chỉ đơn giản là tạo ra thành phẩm bằng tay, mà mở rộng hơn nữa đó chính là khả năng làm chủ tuyệt đối những công cụ chế tác, sự thấu hiểu và trân trọng nguyên liệu. Chỉ khi dùng đôi tay để tương tác tạo hình, con người mới có thể cảm nhận rõ rệt sự kết nối nguồn gốc nguyên liệu trong thiên nhiên. Để sáng tạo và chế tác thành công, họ bắt buộc phải “nương” theo bản chất và phát huy hết đặc tính của nguyên liệu, đó là sự tận dụng cân nhắc chứ không phải khai thác đến tận cùng kiệt quệ. Những chiếc mộng gỗ cánh bướm chính là ví dụ hoàn hảo cho sự trân trọng này.
Một tấm gỗ chẳng may bị nứt sẽ được “hàn gắn” bởi những mộng có hình dạng tựa chiếc nơ, tạo cơ hội cho chúng sống một cuộc đời mới hữu ích và xinh đẹp thay vì bị bỏ phí. Việc vận hành công cụ thành thục cho phép sản phẩm đạt đến nước hoàn thiện tinh tế nhất. Trái với sản phẩm công nghiệp, nội thất thủ công càng mất nhiều giờ để chế tác thì càng được trân trọng đánh giá cao bởi nó phản ánh được độ thử thách và tinh chế. Đôi bàn tay con người mang những xúc cảm và sự nhạy bén sẽ kiến tạo nên cái hồn cho nội thất, song song đó là duy trì sự chính xác hoàn hảo.
CHỈ KHI DÙNG ĐÔI TAY ĐỂ TƯƠNG TÁC TẠO HÌNH,
CON NGƯỜI MỚI CÓ THỂ CẢM NHẬN RÕ RỆT
SỰ KẾT NỐI NGUỒN GỐC NGUYÊN LIỆU TRONG THIÊN NHIÊN.
Chế tác thủ công chính là dũng cảm thừa nhận những sai sót và linh hoạt biến chuyển chúng thành những ứng tác mới mẻ tuyệt vời. Sự sáng tạo bứt phá của con người chính là điều làm nên giá trị độc nhất cho đồ handmade. Trong khi những chiếc máy liên tục cho ra đời những vật dụng đều tăm tắp thì người thợ thủ công trong suốt quá trình sai và sửa của mình lại có thể cho ra đời muôn ngàn khám phá khác biệt. Sự thử thách trong việc làm chủ những công cụ để sửa chữa, cải thiện sai sót sẽ dẫn đến khả năng ứng biến và thành quả bất ngờ. Tiêu biểu nhất phải kể đến kỹ thuật hàn gốm bằng vàng Kintsugi của Nhật, tận dụng mảnh gốm vỡ chắp nối mạch chỉ vàng để tạo nên một vật phẩm nghệ thuật đúc kết cho triết lý wabi sabi quý giá.
Chế tác thủ công cũng là quá trình đúc kết tri thức, hoàn thiện chất lượng đến mức cao nhất và tạo lập di sản. Mỗi đất nước, vùng miền qua hàng trăm, ngàn năm sẽ cô đọng được những kỹ thuật độc đáo thậm chí là bí truyền để tạo nên tính nguyên bản cho nội thất. Ví dụ khi nhắc đến da thuộc cao cấp, da Ý chắc chắn đứng nhất bảng nhờ chất da mềm mại nhưng bền bỉ đáng kinh ngạc. Italian Leather là loại da được nhuộm hoàn toàn từ thuốc thực vật và xử lý với nước từ sông băng thuộc dãy Alpes Thụy Sĩ. Da được ngâm trong thùng thuốc nhuộm bí mật đến ba tháng để lên được nước màu như ý với mùi hương đặc trưng chỉ da Ý mới có. Những loại da này dùng để sản xuất sofa có thể tồn tại đến hàng chục năm. Vậy nên, một số nhà sản xuất rất tự tin khi đưa ra thời hạn bảo hành lên đến 40 năm cho một chiếc ghế. Một số kỹ thuật chế tác cũng làm rạng danh cho địa phương của chúng. Tiêu biểu như vùng Brianza ở Ý tự hào với kỹ nghệ khắc gỗ thượng thừa thì nước Pháp cũng đã đưa ngành thủy tinh lên mức đỉnh cao với kỹ thuật Pâte de verre (nghiền nhỏ thủy tinh thành bột để tạo hình linh hoạt). Hay nước Cộng hòa Czech bấy lâu nay vẫn mang danh đẳng cấp nhờ cho ra đời những dòng pha lê tinh khiết tuyệt đối với độ phản chiếu quyến rũ mê hoặc. Nội thất Đan Mạch ngoài vẻ đẹp tinh tế vượt thời gian cũng nổi tiếng trong khâu kiểm định chất lượng chặt chẽ. Một số nhà sản xuất như Fritz Hansen còn phát triển hẳn quá trình thẩm định chất lượng cao Premium Quality, được thực hiện bởi những chuyên gia trong hoàn cảnh sử dụng thực tế. Và không một chiếc máy nào có thể thay thế cho đánh giá cảm nhận sát sao của con người.
CHẾ TÁC THỦ CÔNG CHÍNH LÀ DŨNG CẢM THỪA NHẬN SAI SÓT
VÀ LINH HOẠT BIẾN CHUYỂN CHÚNG
THÀNH NHỮNG ỨNG TÁC MỚI MẺ TUYỆT VỜI.
Phần lớn những chiếc ghế biểu tượng của nhân loại đều có sự chăm chút của đôi bàn tay người thợ. Để có được khung hình lượn nét, ôm khớp hoàn hảo cho chiếc Hug Chair (Rossella Pugliatti), các thợ mộc của hãng Giorgetti đã phải sử dụng kỹ nghệ hoàn thiện, đánh bóng cổ chuyên dùng cho đồ gỗ mỹ thuật. Chiếc ghế gỗ nhẹ nhất thế giới huyền thoại Super Leggera Chair mà Gio Ponti tạo ra cho hãng Cassina là thành quả của hành trình đúc kết kinh nghiệm, kỹ nghệ mộc tuyệt vời. Trong suốt những năm tiến hành nghiên cứu phát triển, nhà sản xuất đã phải “phá hủy” rất nhiều ghế Superleggera để hoàn thiện độ bền. Phần khung tuy mảnh mai nhưng lại cực kỳ vững vàng đã biến Superleggera trở thành một “iconic design”. Hay để tạo nên hình dáng mang kết tinh của bộ mặt nội thất Đan Mạch đương đại của chiếc ghế CH24 (Hans J. Wegner), những thợ kỹ thuật ở Carl Hasen phải trải qua hơn 100 công đoạn ghép khung ghế, và hơn một giờ đồng hồ để đan mặt dây cói nhằm tạo ra bề mặt vững chắc và thanh lịch tuyệt vời. Những kỹ thuật này sẽ không thể được thay thế bằng bất kỳ chiếc máy nào, bởi kinh nghiệm và xúc giác của những nghệ nhân chính là cỗ máy đo lường chính xác nhất.
Sự tận tâm cống hiến của người nghệ nhân là yếu tố chủ chốt để giúp những thiết kế thủ công vươn đến tầm hoàn hảo. Nhiều sản phẩm độc đáo cần đến vài chục năm để hoàn thiện, ví như chiếc ghế N.14 của Michael Thonet mất đến gần 20 năm để hoàn chỉnh phần khung uốn hơi nước. Vào thời điểm ra đời của N.14, năm 1859, hầu như chưa có công nghệ sản xuất nào có thể đáp ứng được yêu cầu của thiết kế. Để xử lý thành công phần khung tựa và hai chân sau uốn cong liền mạch, ghế N.14 cần đến sự cẩn thận và chính xác tuyệt đối của những người thợ mộc.
ĐỒ THỦ CÔNG TINH CHẾ MANG TRONG MÌNH MỘT PHẦN LINH HỒN
CỦA NGƯỜI TẠO RA CHÚNG
Đồ thủ công tinh chế mang trong mình một phần linh hồn của người tạo ra chúng, bởi sự nâng niu trong từng chi tiết sẽ chỉ đạt được bằng sự tâm huyết của người nghệ nhân. Mỗi vật phẩm là độc nhất và từng chi tiết nhỏ sẽ cấu thành nên tính nguyên bản của thiết kế, một tổng thể hoàn hảo nơi các điểm khác biệt trở thành nét chấm phá. Các nghệ nhân đôi khi còn được ví von là những thầy phù thủy, cống hiến cả cuộc đời mình cho phép thuật tạo nên những tinh hoa chỉ từ chính đôi tay của mình. Những giá trị lao động, vận dụng trí óc đã xác lập giá trị của nội thất thủ công giữa muôn ngàn sản phẩm công nghiệp khác.
Tương lai và những thử thách của nội thất thủ công
những thử thách mới trong việc truyền nghề. Giới trẻ giờ đây dường như không còn đủ kiên nhẫn để theo đuổi những ngành nghề chế tác cần đến sự tỉ mỉ chăm chút này. Ngay cả ở Ý, nơi được xem là cái nôi sản sinh ra những vật phẩm thủ công tuyệt vời nhất trên thế giới, việc tìm kiếm người kế thừa truyền thống cũng đang dần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhân lực chất lượng trở thành một thử thách thực sự cho ngành nội thất thủ công.
Để thích ứng và tiếp tục duy trì phát triển, các nhà sản xuất giờ đây phải trở nên linh hoạt hơn trong việc quảng bá, sáng tạo. Kỹ nghệ truyền thống giờ đây song hành cùng công nghệ hiện đại để duy trì được cái chất độc đáo mà vẫn không lạc dòng khỏi xu thế. Các thương hiệu lớn như Cassina, Cappellini, Giorgetti, Carl Hansen liên tục tìm cách làm mới mình bằng việc tạo dựng quan hệ hợp tác với các nhà thiết kế, kiến trúc sư quốc tế. Tiêu biểu như mối quan hệ giữa Zaha Hadid và Piero Lissoni với hãng B&B Italia, Jamie Hayon với Fritz Hansen, Patricia Urquiola với Cassina… Nhờ sự hợp tác đó mà kỹ thuật làm nghề vẫn tiếp tục được ứng dụng để tạo nên những hình hài mới thức thời và tân tiến hơn. Những thông thái của thế hệ đi trước sẽ nuôi dưỡng và ươm mầm cho sự thay đổi mới, đảm bảo đáp ứng được cả mặt nội dung lẫn hình thức sản phẩm.
Các dòng sản phẩm “iconic” cũng được làm sống lại qua sự cách tân, cải tiến có thể là biến đổi màu sắc, nguyên liệu nhưng tựu trung vẫn thể hiện được cá tính nguyên bản của thiết kế gốc. Ghế Wishbone CH24 (Hans J. Wegner) giờ đây được sản xuất với loạt màu sắc phong phú hơn, ghế Drop (Arne Jacobsen) được tái ra mắt với lớp bọc vải, da trẻ trung cùng phần chân phủ mờ, phù hợp với xu thế mới. Hãng pha lê Lasvit sáng tạo hình dáng tối giản cho những sản phẩm đèn chùm truyền thống. Các thương hiệu lâu đời như Fornasetti cũng dần đa dạng hóa thể loại sản phẩm để tiếp cận sâu rộng hơn với nguồn khách hàng trẻ, song song đó là quảng bá cho giá trị truyền thống.
Các xưởng sản xuất gia đình, trước đây tuyệt đối giữ bí mật về những kỹ nghệ độc quyền cũng đang dần trở nên cởi mở hơn trong việc quảng bá hình ảnh ra thế giới. Những thế hệ tiếp nối tận dụng sự tiến bộ của truyền thông và công nghệ đã giới thiệu những giá trị quý giá nhất của họ bằng việc mở các workshop hoặc kết hợp cùng những nhà thiết kế trẻ để làm mới tên tuổi. Một số thương hiệu, nhà thiết kế trẻ khi nhận ra những giá trị lâu dài của việc chế tác thủ công cũng dần quay lại tìm tòi và ứng dụng những kỹ nghệ truyền thống vào sản phẩm của mình. Và đáng chú ý hơn cả là bộ phận khách hàng khi quá mệt mỏi với những đồ sản xuất hàng loạt thiếu độc đáo và độ bền thấp đã quay lại tìm kiếm những giá trị bền vững hơn. Nội thất giờ đây thiên về sự định danh cá nhân và phong trào sống chậm nhưng bền vững đã thúc đẩy các gia chủ tìm hiểu sâu hơn để có được những món đồ độc đáo, thành quả của rất nhiều năm kỹ nghệ tinh hoa, mang chất lượng cao cấp.
Máy móc vốn không thể thay thế cho đôi bàn tay của con người hay sự sáng tạo tài tình của người nghệ nhân. Nguy cơ biến mất vĩnh viễn của các làng nghề truyền thống cũng được xem như hồi chuông cảnh báo cho lối sống chuộng tiêu dùng tiện lợi của chúng ta. Nếu bạn thật sự để tâm đến chất lượng sống bền vững, đừng bỏ qua cơ hội ủng hộ những món đồ nội thất thủ công, bởi chúng không chỉ là kết tinh của nhiều thế hệ kỹ năng, tri thức mà còn thấm đẫm tình yêu thương và tâm huyết của người chế tác. Những vật phẩm có hồn và đẹp đẽ đó xứng đáng nhận được sự trân trọng. Khi cảm thấy bản thân hao mòn trước lối sống hời hợt vội vã, hãy tìm về với những chăm chút tỉ mỉ của đôi bàn tay, để lấp đầy không chỉ phần tri thức cảm nhận mà còn rèn giũa sự nhạy bén cho sự rung cảm trước cái đẹp trong tâm hồn.
MÁY MÓC VỐN KHÔNG THỂ THAY THẾ CHO ĐÔI BÀN TAY CON NGƯỜI
HAY SỰ SÁNG TẠO TÀI TÌNH CỦA NGƯỜI NGHỆ NHÂN.
NẾU BẠN THẬT SỰ ĐỂ TÂM ĐẾN CHẤT LƯỢNG SỐNG BỀN VỮNG,
ĐỪNG BỎ QUA CƠ HỘI ỦNG HỘ NHỮNG MÓN ĐỒ NỘI THẤT THỦ CÔNG.
Bài: Phương Nguyễn – Elledecoration