Áp dụng công nghệ ngày càng mở rộng
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, các công nghệ đang được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet hoặc được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín.
Điển hình, trong ngành trồng trọt, công nghệ IOT, BigData bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực… Trong ngành chăn nuôi, công nghệ IOT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk…
Mặc dù, hiện nay tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm, nhưng việc áp dụng các công nghệ này đang ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, không chỉ tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Quảng Ninh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều đang có các mô hình ứng dụng hiệu quả các công nghệ này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuyển đổi mạnh ở nông nghiệp thông minh. “Nếu trước đây, không có các thiết bị cảm ứng thì người nông dân sẽ thường xuyên phải ra đo đạc nhưng giờ chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể điều khiển. Với công nghệ tưới thông minh, chủ trang trại có thể chủ động không gian và thời gian” – ông Phạm S nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam. Ngoại trừ các hộ nông dân, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số cao nhất về cơ sở vật chất và logistics.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mặc dù phải thường xuyên đối diện với thiên tai, hạn hán bệnh dịch nhưng trong 5 năm gần đây, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,71%/năm.
Tư duy người dân là quan trọng nhất
Theo các chuyên gia, công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số của ngành này còn thấp, doanh nghiệp gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.
Vì vậy, thời gian tới cần thúc đẩy việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hơn nữa, toàn diện nhằm góp phần nâng cao hơn năng suất, hiệu quả của ngành đồng thời góp phần đảm bảo sự bền vững. Vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt và chung tay phòng ngừa rủi ro cùng với các thành phần kinh tế khác thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp thông qua việc ban hành chiến lược, quy hoạch và các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Phạm S đề xuất các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Ông Phan Minh Thông – CEO Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, để chuyển đổi số thành công, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với thách thức lớn do tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp hơn nữa nhằm góp phần nâng cao hơn năng suất, hiệu quả của ngành đồng thời góp phần đảm bảo sự bền vững…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam là 1 trong 10 nước chế biến nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới; đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50 – 51 tỷ USD; đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60 – 62 tỷ USD. |