Chuyện khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch của chàng kỹ sư cơ khí

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng dưa chuột được trồng trên bãi bồi ven sông, Ngô Thái Dương cho hay, đây là vụ thứ 2 anh trồng dưa trên mảnh đất này – mảnh đất mà trước kia là ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, chưa từng có ai thu hoạch thành công 2 […]

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng dưa chuột được trồng trên bãi bồi ven sông, Ngô Thái Dương cho hay, đây là vụ thứ 2 anh trồng dưa trên mảnh đất này – mảnh đất mà trước kia là ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, chưa từng có ai thu hoạch thành công 2 vụ lúa/năm. Vậy mà hôm nay, khắp cánh đồng đã và đang được chàng trai trẻ này “phân lô”, quy hoạch gọn bờ vùng, bờ thửa thành những vườn cây trái xanh mướt.

Nhìn cánh đồng xanh mướt ấy, chúng tôi bày tỏ cảm phục, Ngô Thái Dương cười, phân trần: Các cụ xưa có câu “người lười chứ đất có lười đâu”, chính vì suy nghĩ như vậy nên tôi đã quyết định lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp sau nhiều năm bôn ba lao động nơi xứ người….

Sinh năm 1986 ở xã Yên Từ (Yên Mô), Ngô Thái Dương lớn lên rồi theo học nghề cơ khí và đã từng đi theo các công trình ở nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Những năm tháng xa quê hương, mỗi lần ra chợ nông sản, Dương đều tự hỏi cũng là quả dưa chuột, cũng là mớ rau nhưng tại sao giá trị các mặt hàng nông sản này trên đất nước bạn lại đắt gấp nhiều lần so với nông sản quê nhà?

Những tiểu thương ở các khu chợ đã giải thích cho Dương, đó là vì ở đất nước họ, diện tích sản xuất nông nghiệp ít, hơn nữa đầu tư cho nông nghiệp sạch rất cao, do đó, giá thành sản phẩm cũng cao. Câu chuyện về sản xuất nông nghiệp trên đất nước bạn đã khiến Dương quyết định về nước lập nghiệp tại quê hương. Và sản xuất nông nghiệp sạch là lựa chọn cho sự khởi đầu của Dương.

Với 1,2 mẫu ruộng ban đầu của gia đình và nguồn vốn vay ít ỏi từ người thân, Dương bắt tay vào đào ao thả cá và trồng một số cây rau màu, cây ăn quả ngắn ngày như táo, ổi… Không có nhiều kiến thức trong sản xuất nông nghiệp sạch, Dương đã lặn lội đi tìm hiểu một số mô hình trồng rau, củ, quả an toàn ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm hiểu thêm trên mạng, sách, báo…

Sản xuất theo hướng sạch nên các loại sản phẩm nông sản của Dương đã được nhiều tư thương đến tận nơi thu mua, thậm chí một số siêu thị trên Hà Nội cũng đã về đặt hàng. Thành công bước đầu, Dương quyết định đấu thầu thêm một số diện tích của các hộ xung quanh để mở rộng sản xuất theo quy mô lớn. Đến nay, mô hình của Dương được nhân rộng trên 3 ha.

Sau gần 3 năm khởi nghiệp, đến năm 2016, trên diện tích hơn 3 ha, Dương đã thu hoạch được hàng chục tấn rau, củ, quả sạch các loại. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Dương còn thu gần 100 triệu đồng từ nuôi cá. Hiện nay, mô hình của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và những ngày cao điểm lên tới hơn 10 người. Nói về thu nhập của mình, Dương nhẩm tính, rồi bảo: trừ chi phí mỗi năm cũng “bỏ túi” được 500 triệu đồng! Tuy vậy, để có được thành công như hôm nay là điều không hề dễ dàng.

Dương chia sẻ: Năm 2013 khi mới về nước, tôi từng lựa chọn nuôi cá chạch thương phẩm và chạch giống. Nhưng do quá sức với tiềm lực kinh tế và thiếu kinh nghiệm nên mô hình đã thất bại, lỗ gần 1 tỷ đồng. Rồi khi bắt tay vào trồng nông sản sạch, tôi cũng từng bị thất bại ngay trong vụ đầu tiên với cây dưa chuột, cũng là do thiếu kiến thức nên cây dưa bị úng nước, phải bứt đổ đi gần 20 tấn dưa…

Những thất bại khi khởi nghiệp khiến Dương hiểu rằng, ngoài việc chuẩn bị cho mình một ý tưởng tốt, nguồn vốn thì cần có nhiều yếu tố khác như: kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng để không nản chí trước thất bại. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và những tín hiệu tốt lành từ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, năm 2017, Dương quyết định đấu thầu thêm đất của các hộ trong xã, nâng quy mô lên 6 ha để trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả trái vụ. Dương cho biết: Thời gian tới tôi sẽ tìm hướng liên kết với các công ty xuất khẩu và các siêu thị để đảm bảo đầu ra ổn định và tiêu thụ sản phẩm sạch với giá cao.

Nguồn: Chế phẩm sinh học

Tìm kiếm