Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19: Cơ hội và thách thức

Ở Châu Á, lúa gạo đóng vai trò quan trọng thiết yếu. Hơn một nửa nguồn năng lượng thực phẩm hàng ngày cho người dân Châu Á nói chung đến từ gạo. Gạo cũng chiếm tới 70% lượng thực phẩm cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, mà hầu hết người nghèo của thế giới là ở châu Á.

Ngày 8/12, Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2020 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh tác động của COVID-19; cơ hội và thách thức”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị toàn thể ISG là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NN&PTNT với các cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp và các đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường điều phối các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững.

Theo cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Hardwick Tchale, COVID-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nông sản, giá lương thực tăng, trong đó có giá gạo. Ở một số nước như giá cả lương thực tăng mạnh như Ác-hen-ti-na tăng 39%, Myanmar tăng 30%… đây là thiệt thòi lớn cho các quốc gia này nhưng lại là cơ hội cho các nước xuất khẩu lương thực, nông sản như Việt Nam.

Ông Hardwick cho rằng việc đứt gãy các chuỗi cung ứng lương thực trên thế giới, đặc biệt là gián đoạn các hoạt động trồng trọt, logistic… trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ngành nông sản Việt Nam đã tiếp cận nhanh với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… đây là cơ hội lớn của Việt Nam, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, 2020 là một năm khó khăn khi mà toàn thế giới phải căng sức để phòng chống lại đại dịch Covid-19. Ngoài các thiệt hại về người, đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2020 và nhiều năm tiếp theo, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông lâm thủy sản, làm gia tăng yêu cầu và lùi thời hạn đàm phán và ký kết các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường giữa Việt Nam và các nước cũng như gia tăng các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT phấn đấu thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra, vừa tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế.

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu, tận dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thu hút đầu tư doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do để kết nối tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu; nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: “Đối với ngành nông nghiệp, năm 2020 cực kỳ khó khăn, bên cạnh ảnh hưởng của Covid-19, còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả nên sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu tốt”.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, bên cạnh nỗ lực từ phía Việt Nam, những sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, hội nghị là sự kiện quan trọng để Bộ chia sẻ định hướng ưu tiên trong phát triển ngành giai đoạn tới, kêu gọi cộng đồng quốc tế, các đối tác và tổ chức quốc tế cam kết cùng chung tay góp sức huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại Hội nghị toàn thể ISG 2020, Bộ NN&PTNT cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chung về “Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Trong tuyên bố chung tại hội nghị, ISG tăng cường hợp tác với Chính phủ Việt Nam về các giải pháp nhằm tăng khả năng chống chịu và phục hồi nông nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Trước mắt ưu tiên vào các vấn đề khuyến nghị chính sách phúc lợi xã hội và sinh kế của các hộ nông dân nhỏ, chính sách an ninh lương thực, năng lực chung của ngành nông nghiệp và chuỗi giá trị của các sản phẩn nông nghiệp. ISG cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bối cảnh COVID-19 và quá trình phục hồi xanh.

ISG cũng khẳng định hỗ trợ ngành nông nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng của các chủ thể trong chỗi giá trị để tiếp cận và đa dạng hoá thị trường toàn cầu. Phát triển ứng dụng nông nghiệp điện tử, bao gồn công nghệ số trong sản xuất, thương mại, khuyến nông và truy xuất nguồn gốc.

Theo: Báo Nông nghiệp

Tìm kiếm