Câu chuyện về Ống hút rau củ ECOS: Nâng cao giá trị nông sản Việt

Trong hàng chục năm qua, nhiều nông dân và các nhà khoa học đã dũng cảm đi ngược lại với truyền thống nhằm tìm ra hướng đi mới cho canh tác nông nghiệp. Hướng đi được nhiều nông dân và các nhà khoa học đang theo đuổi, đó là canh tác theo mô hình nông nghiệp sinh thái.

” Giúp đỡ kinh tế như thế nào cho một vùng đất toàn là sản xuất Nông nghiệp? Đó là câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu anh và mãi anh mới tìm ra được câu trả lời là chỉ có con đường nâng cao giá trị nông sản “.

Huyện Đông Anh là một huyện thuộc ngoại thành, thành phố Hà Nội. Nơi được coi là một trong những vùng đất lịch sử của Việt Nam. Nơi có rất nhiều làng nghề truyền thống đậm chất văn hóa Việt và cũng là nơi mà rất đông các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp cung cấp cho thành phố Hà Nội như các hộ nông dân ở xã Đại Mạch.

Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cho nên anh Lê Văn Tám học hết cấp 2 phải bỏ học, xa mái trường đi làm kinh tế phụ thêm cho gia đình nuôi các em nhỏ. Trong những năm tháng đó anh đã ấp ủ trong mình sau này sẽ cố gắng làm kinh tế, làm một việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương, giúp đỡ cha mẹ đỡ vất vả. Giúp đỡ kinh tế như thế nào cho một vùng đất toàn là sản xuất Nông nghiệp? Đó là câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu anh và mãi anh mới tìm ra được câu trả lời là chỉ có con đường nâng cao giá trị nông sản.

Để có kinh tế nuôi ước mơ hoài bão của mình, anh Lê Văn Tám đã rời bỏ quê hương đi tu nghiệp sinh tại đất nước Hàn Quốc và làm trong mảng nông nghiệp tại Hàn Quốc 10 năm. Ngày trở về anh mang bao nhiêu hoài bão xưa kia và bao nhiêu kinh nghiệm từ nước phát triển về lập nghiệp tại quê nhà. Anh đã bắt đầu tư vào cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp để giảm thiểu sức lao động, chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm để bà con nông dân đỡ vất vả và có khoản thu nhập từ nông sản cao hơn. Qua một khoảng thời gian anh Tám vẫn chưa hài lòng vì giá trị nông sản vẫn con thấp, chưa nâng cao giá trị được nhiều. Anh đã suy nghĩ và trăm trở rất nhiều về vấn đề này. Một hôm đang ngồi xem truyền hình cùng gia đình và một trong những vấn đề nóng nhất mà chương trình thời sự đề cấp đến chính là “chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường” ở bãi biển, khắp đường phố, ở đâu cũng có cảnh người dân xả ống hút nhựa ra ngoài đường, trên biển và những con sông, cá ăn vào chết hàng loạt, Rùa thì bị ống hút nhựa đâm vào mũi…với rác thải nhựa phải mất vài trăm nam để phân hủy, từ sự việc này anh nảy sinh ra ý tưởng sản xuất Ống hút rau củ bằng bột các loại rau, các loại củ. Sản phẩm Ống hút rau củ lại được chế biến sâu, có giá trị cao và đặc biệt là có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.

Từ suy nghĩ và ý tưởng đó anh Lê Văn Tám đã về lập kế hoạch và bắt tay vào công việc sản xuất ra Ống hút rau củ. Từ suy nghĩ đến hành động và trở thành hiện thực quả là một câu chuyện cần phải hao tâm, tốn sức rất nhiều. Qua nhiều thất bại, mất rất nhiều tiền bạc và công sức vào nghiên cứu và sản xuất có thời gian tưởng chừng như không thể tiếp tục được vì tài chính không còn, anh Tám đã quyết định theo đuổi đến cùng, cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Cuối cùng anh đã thành công và đã có lô hàng Ống hút rau củ đầu tiên, niềm vui như vỡ òa trong sung sướng đến với anh Tám.

Ống hút rau củ hiện nay đã đưa vào thị trường và đặc biệt đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Ấn Độ…Ông hút rau củ mang trên mình sứ mệnh đưa sản phẩm Việt Nam vươn ra tầm thế giới, nâng cao giá trị nông sản để giải quyết sinh kế cho bà con tại huyện Đông Anh và đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Tìm kiếm