Phùng Đắc Sơn và câu chuyện khởi nghiệp bằng nghề nông

Đó là chàng trai sinh năm 1992 tại thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương. Đến Hợp Thịnh hỏi thăm về thanh niên 9x mạnh dạn gom, thuê lại ruộng của người dân trong xã để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn ai ai cũng biết. Mô hình Phùng Đắc Sơn […]

Đó là chàng trai sinh năm 1992 tại thôn Tân Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương. Đến Hợp Thịnh hỏi thăm về thanh niên 9x mạnh dạn gom, thuê lại ruộng của người dân trong xã để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn ai ai cũng biết. Mô hình Phùng Đắc Sơn đang thực hiện là sự kết hợp giữa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm.

Học hết cấp III, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Sơn vào làm việc tại các khu công nghiệp với mong muốn được đổi thay cuộc đời để không còn phải chịu cảnh lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế rồi, sau nhiều năm bươn trải, khi đang làm việc tại Công ty Honda Việt Nam với mức lương ổn định, Sơn lại quyết định trở về quê hương, bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nông.

Chia sẻ về sự lựa chọn của mình, Sơn nói: “Quê em trong mấy năm trở lại đây người dân không mấy mặn mà với đồng ruộng. Mỗi lần đi làm về, nhìn thấy những cánh đồng bị bỏ hoang, em không khỏi chạnh lòng bởi Hợp Thịnh từng rất thành công từ các mô hình nông nghiệp được cả nước biết đến như sản xuất ngô đông trên nền đất ướt, ứng dụng, sản xuất thành công ngô giống vụ đông trên đất 2 vụ lúa… Với mong muốn làm một điều gì đó để phát huy truyền thống sản xuất nông nghiệp của quê hương, em quyết định gom, thuê lại ruộng của bà con trong xã, bắt đầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn”.

Phùng Đắc Sơn và câu chuyện khởi nghiệp bằng nghề nông
Phùng Đắc Sơn và câu chuyện khởi nghiệp bằng nghề nông

Ở tuổi 26, khi ấy quyết định khởi nghiệp từ nghề nông của Sơn khiến không ít người ngạc nhiên, lo lắng và hơn hết, Sơn còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình. Bởi lẽ, với những người quanh năm gắn mình với ruộng đồng như bố mẹ Sơn, làm nông nghiệp vốn là một nghề vừa vất vả lại nhiều may rủi, phụ thuộc nhiều thời tiết, thị trường, rồi nỗi lo được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Biết rằng sẽ có nhiều vất vả, mạo hiểm song Sơn rất kiên định với lựa chọn của mình.

 5 ha ruộng thuê lại của bà con trong xã, Sơn dành riêng 1ha trồng các loại cây ăn quả, 4 ha còn lại trồng 2 vụ lúa, 1 vụ đông (chủ yếu là bí đỏ, ớt). Ngay năm đầu tiên, mô hình nông nghiệp của Sơn đã cho thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Con số tuy không lớn, nhưng đủ để làm động lực cho chàng thanh niên viết tiếp câu chuyện khởi nghiệp từ nghề nông của mình.

Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, từ năm 2017, Sơn liên kết với Hợp tác xã Giống cây trồng Quán Tiên, thành phố Vĩnh Yên nhận sản xuất lúa giống cung ứng cho Hợp tác xã. Đặc biệt, năm 2019, sau trồng thử nghiệm thành công 7kg giống lúa thảo dược trong vụ xuân, chàng thanh niên tiếp tục dành 1ha diện tích trồng giống lúa mới này ở vụ mùa. Trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích lúa vụ mùa của nhiều người dân trong xã bị mất trắng, song diện tích lúa thảo dược của Sơn vẫn cho năng suất hơn 80kg/sào. Sơn cho hay: “Lúa thảo dược năng suất không đạt cao như những giống lúa truyền thống, thời gian sinh trưởng cũng dài hơn, tuy nhiên đây lại là giống lúa có chất lượng, tốt cho sức khỏe, có giá thành cao hơn và được thị trường rất đón nhận”.

Không dừng lại việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp ở dạng thô, từ đầu năm 2020, Sơn bắt đầu thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm qua chế biến. Theo Sơn, sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn, phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Bản thân Sơn cũng vậy, làm có năm được, năm mất, nếu không sớm tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm thì khó tránh khỏi thất bại.

Chính bởi suy nghĩ đó, ngay đầu năm 2020, Sơn bắt đầu thu hẹp diện tích gieo trồng, chỉ giữ lại 1ha cây ăn quả và 1 mẫu trồng lúa thảo dược, dành thời gian tập trung phát triển các các sản phẩm qua chế biến. Bằng kiến thức tích lũy được qua mạng internet, kinh nghiệm học hỏi từ một số đầu bếp về sản phẩm chế biến, Sơn đã nghiên cứu, sản xuất thành công dấm chuối và bắt đầu thử làm một số loại dấm hoa quả khác.

 Sơn cho biết: ngay sau khi cuộc chiến đấu dịch bệnh Covid – 19 thành công, cùng với sản xuất các loại dấm từ hoa quả, Sơn sẽ huy động vốn, đầu tư máy móc, trang thiết bị để tập trung sản xuất trà gạo thảo dược và các loại hoa quả sấy trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có của mô hình, tiến tới sẽ thu mua, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của cho nhiều người dân địa phương.

Theo: Vĩnh Phúc Gov

Tìm kiếm